Công nghệ thẻ NFC và RFID, những ứng dụng tiện ích tương lai !

30-08-2015, 1:39 pm

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ nhận dạng sóng radio (RFID), các ứng dụng RFID đang ngày càng phổ biến khắp mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là công nghệ NFC nổi lên như là một ứng dụng không thể thiếu của cuộc sống hiện đại ngày nay. Smartid Co.,Ltd hân hạnh chia sẻ một vài thông tin về công nghệ NFC và RFID và các ứng dụng, nhằm góp phần mang thông tin cho mọi người quan tâm.

 

Khi tìm hiểu về NFC và RFID, có lẽ bạn sẽ thấy ngay định nghĩa (khô khan) của NFC và của RFID trong nhiều trang mạng:

 

"NFC (Near Field Communication) là tập hợp các chuẩn để thiết lập liên lạc vô tuyến (radio communication) giữa các thiết bị bằng cách cho chúng đến gần nhau hoặc chạm vào nhau".

 

"RFID (Radio-frequency identification) là việc ứng dụng sóng điện từ có tần số vô tuyến (radio frequency) cho cơ chế truyền dữ liệu không dây, không tiếp xúc, dùng để nhận dạng tự động và theo dõi vật thể có gắn thẻ".

 

Hai định nghĩa na ná như nhau, nhưng định nghĩa về RFID không nhấn mạnh đến khoảng cách (gần hoặc chạm) và nhắc đến chức năng nhận dạng vật thể có gắn thẻ chứa dữ liệu. Những miếng mỏng, nhỏ, có vi mạch, gọi là thẻ RFID (RFID tag), thẻ NFC (NFC tag) đã được dùng trong thực tế, để gắn hoặc dán lên mọi thứ, có vai trò tương tự miếng giấy in mã vạch mà bạn đã quá quen thuộc. Trong tương lai gần, thẻ RFID và thẻ NFC có thể chứa vi mạch không dùng kim loại. Đó là thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu nhưng chưa được triển khai.

 

Trong việc phân loại công nghệ, người ta thường xem NFC là trường hợp riêng của RFID. NFC ứng với việc liên lạc bằng sóng vô tuyến tần số thấp, có khoảng cách liên lạc nhỏ hơn 4 cm. Nói chung, tần số cao hơn cho khoảng cách liên lạc dài hơn. Công nghệ RFID được xây dựng cho việc liên lạc tầm ngắn, khoảng 100 m trở lại.

 

Tương tự trường hợp mã vạch, dữ liệu trong thẻ RFID được thu nhận bởi đầu đọc RFID (RFID reader). Sóng điện từ phát ra từ đầu đọc RFID kích hoạt thẻ RFID, làm cho thẻ RFID có khả năng phát sóng dù không có nguồn năng lượng.Nhờ có khả năng phát sóng, thẻ RFID gửi dữ liệu chứa trong nó cho đầu đọc.

 

Khác với trường hợp mã vạch (chỉ dùng để phân loại sản phẩm), thẻ RFID gắn vào vật thể được dùng như "chứng minh thư" của vật thể. Do vậy, thẻ RFID được dùng trong các hệ thống theo dõi xe cộ qua trạm gác, theo dõi hành lý ở sân bay, theo dõi linh kiện trong kho hàng hoặc trong dây chuyền lắp ráp. Với khoảng cách liên lạc đủ dài, đầu đọc RFID có thể nhận dạng đồng thời cả trăm vật thể chuyển động có gắn thẻ RFID.

 

 

Đọc thẻ RFID trong kho hàng.

 

Trong các hệ thống chuyên dùng, để sóng phát ra bởi thẻ RFID không quá yếu, thẻ RFID có nguồn năng lượng riêng (pin).Người ta gọi đó làthẻ RFID chủ động (active RFID tag), phân biệt với thẻ RFID thụ động(inactive RFID tag) không có nguồn năng lượng riêng.

 

Có thể bạn đang tự hỏi rằng công nghệ RFID có từ khi nào, sao bây giờ trở thành thời thượng? Bằng sáng chế đầu tiên của công nghệ RFID được cấp vào năm 1973. Cũng như mọi tiến bộ công nghệ, RFID phải mất vài thập niên để thâm nhập đời sống. Thẻ RFID nay có giá thành khá rẻ: khoảng 0,1 - 1,5 USD cho thẻ thụ động và khoảng 5 - 20 USD cho thẻ chủ động. Tuy nhiên, dù rẻ thế nào, thẻ RFID không thể rẻ hơn miếng giấy in mã vạch. Có khi người ta hình dung thẻ RFID sẽ thay thế hoàn toàn mã vạch, mọi thứ hàng hóa trong siêu thị sẽ được gắn thẻ RFID, bạn chỉ cần cho xe đẩy chứa hàng của mình đi ngang qua đầu đọc RFID và biết ngay số tiền phải trả. Nhưng đó là hình ảnh của tương lai xa bất định!

 

Cũng như trường hợp mã vạch, công nghệ RFID chỉ trở nên quen thuộc với người tiêu dùng khi việc ghi thông tin vào thẻ được tiến hành dễ dàng, ai cũng làm được. Ở khía cạnh này, NFC tiếp cận đời sống nhanh chóng hơn RFID vì đầu ghi và đầu đọc NFC hiện đang nằm trong taybạn: chiếc smartphone. Samsung và Sony đã sản xuất thẻ NFC.Trong khi thẻ TecTiles của Samsung là thẻ NFC mỏng, dùng để dán vào mọi thứ (giá 3 USD/chiếc), thẻ Xperia của Sony là thẻ cứng, dùng để treo (giá 11 USD/chiếc).

 

 Đọc thẻ NFC (TecTiles của Samsung).

 

 

 Đọc thẻ NFC (Xperia Smart Tag của Sony).

 

Để ghi thông tin vào thẻ NFC, hiện nay bạn có thể dùng smartphone chạy hệ điều hành Android (chưa thể dùng iPhone vì iPhone chưa có chức năng NFC) và phần mềm miễn phí NFC Task Launcher (tải xuống từ Google Play).Phần mềm NFC Task Launcher giúp bạn ghi các chỉ thị cho smartphone vào thẻ NFC. Sau đó, khi bạn cho smartphone áp vào thẻ NFC, smartphone lập tức tự động thực hiện nhiệm vụ (task) nào đótheo chỉ thị.

 

Trang mạng Trendblog.net gợi ý một số ứng dụng khả dĩ của thẻ NFC:

 

Ở cửa nhà: Khi về đến nhà, bạn áp smartphone vào thẻ NFC ở cửa ra vào để tự động bật chức năng thu sóng Wi-Fi, tắt chức năng thu sóng Bluetooth, tăng âm lượng nhạc chuông,... hoặc tự động gửi tin nhắn có nội dung đã định cho người thân. Đối với loại chỉ thị bật/tắt, bạn áp smartphone vào thẻ NFC để bật và áp lần nữa để tắt.

 

Trong phòng khách: thẻ NFC ở tường phòng khách giúp smartphone tự động đăng nhập mạng Wi-Fi trong nhà. Điều này giúp bạn cho phép khách dùng mạng Wi-Fi mà không cần thông báo mật khẩu.

 

Trong bếp: Sau khi bật bếp hoặc bật lò vi sóng, bạn áp smartphone vào thẻ NFC ở gần lò để được smartphone báo động sau năm phút hoặc mười phút.

 

Ở giường ngủ: Khi vào giường, bạn áp smartphone vào thẻ NFC ở đầu giường để smartphone chuyển qua chế độ im lặng và thực hiện nhiệm vụ của đồng hồ báo thức.

 

Trên xe hơi: Thẻ NFC gắn trên xe giúp smartphone của bạn tự động bật chức năng Bluetooth để tương tác với máy hát hoặc tai nghe Bluetooth có sẵn trong xe (phát những bài "nhạc tuyển" của bạn,...), chạy phần mềm định vị và dẫn đường.

 

Tại văn phòng: Thẻ NFC ở bàn giấy giúp smartphone tự động chuyển qua chế độ im lặng, bật Wi-Fi, đăng nhập Foursquare hoặc mở phần mềm sổ tay, lịch trình.

 

Tại sân tập thể dục thể thao: Thẻ NFC gắn ở ba-lô giúp smartphone im lặng và tự động chạy phần mềm kết nối Bluetooth với vòng "thông minh" đeo ở cổ tay, giúp theo dõi nhịp tim và lượng vận động.

 

Tại nơi công cộng: Khi đi ra ngoài, làm việc với máy tính xách tay hoặc máy tính bảng ở nơi không có sóng Wi-Fi, bạn có thể áp smartphone vào thẻ dán ở máy tính để smartphone tự động trở thành điểm phát sóng Wi-Fi (Wi-Fi hotspot), cho phép máy tính kết nối với Internet thông qua smartphone.

 

Smartphone hiện nay không chỉ có tác dụng như đầu ghi, đầu đọc thẻ NFC, mà còn có thể đóng vai trò của thẻ NFC chủ động. Nhờ vậy, hai chiếc smartphone đặt sát nhau có thể tự động trao đổi dữ liệu cho nhau.Truyền dữ liệu hai chiều là đặc điểm của riêng NFC.

 

 

Liên lạc hai chiều bằng sóng NFC.



Do cơ chế liên lạc tay đôi ở tầm rất gần, NFC có những ứng dụng đặc thù, gần gũi cuộc sống thường nhật. Có lẽ vì vậy mà định nghĩa của NFC không nhấn mạnh chức năng nhận dạng như RFID. Trong tương lai gần, có lẽ người tiêu dùng sẽ dần quen với những ứng dụng của NFC ở khắp nơi, ẩn sau những thương hiệu cụ thể, mà không cần biết đến định nghĩa của NFC hoặc RFID!

 

Nguồn: Internet

Tin tức liên quan
DMCA.com Protection Status
Yêu cầu gọi lại

Xin chào,

Vui lòng nhập thông tin để chúng tôi gọi lại cho bạn sớm nhất.

Gọi hotline: 0904190900